Xin Đại chúng Niệm Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thưa Đại chúng !
Hôm nay ngày mồng 6 tháng 2 năm Giáp Thìn nhằm ngày 15 tháng 03 năm 2024 tại VP FDI Hà Nội.
Tôi là Thầy Thái Hòa, Quý vị biết rồi , ai chưa biết thì chừ biết, mà ai biết rồi thì biết thêm
Đây là Thượng tọa Thái Tâm, Trú trì Chùa Long Hồ , Cố đố Huế và Chùa Phúc Hưng ở Thị xã Quế Võ , Bắc Ninh.
Đây là Thượng tọa Nhật Quang, Trú trì Chùa Bồng Lai, Phúc Lâm, Bắc Ninh.
Chị Phượng Liên Quý vị biết rồi , biết không ? ai chưa biết thì sẽ biết mà biết rồi thì biết thêm.
Đây là Chị Thanh, đây là Chị Hồng là những người bạn của Chị Liên và muốn biết thêm nữa thì có Nam, Minh giới thiệu, Vích giới thiệu nghe rồi mỗi người tự giới thiệu chính mình.
Cầu an và Pháp thoại đầu năm ở các VP FDI tại Sài gòn, Hải Phòng , Hà Nội, Đà Nẵng , đó là văn hóa và sinh hoát văn hóa của FDI , đó là một nét đặc biệt mà không phải Cty nào cũng có, các Cty phần nhiều họ thờ Thổ Địa, Thần tài và trình độ chỉ ngang đó thôi nhưng mà văn hóa FDI không chỉ dừng lại ở nơi Thổ Địa, Thần tài mà còn nâng lên một tầm cao để bước tới ngôi nhà tâm linh, cho nên 04 VP đều có bàn thờ Phật, đó là một trong những nét độc đáo mà không dễ gì tìm kiếm ở những cty khác, ngoài trừ ra Cty FDI mà do Anh Nghĩa, Chị Liên cùng các GĐCN, các trưởng phòng và các nhân viên chúng ta đã có những duyên lành đã có nét đặc thù này.
Quý vị cũng biết rằng, nhiều Cty mời tôi chia sẻ Pháp thoại và cầu an cho họ, nhưng phần nhiều tôi từ chối, từ chối vì thấy rằng chưa đủ nhân duyên để giúp họ, nhưng mà Cty FDI do Anh Nghĩa, Chị Liên điều hành thì tôi thấy rằng có thể giúp được, giúp được, vì Quý vị có tín tâm đến Tam Bảo, Quý vị không dừng lại ở nơi Thần tài, ở nơi Thổ địa mà còn muốn tiến tới xa hơn ở nơi đời sống tâm linh và muốn biến Cty FDI không chỉ là một gia đình đồng nghiệp, mà còn muốn biến Cty FDI này thành gia đình tâm linh, không phải Cty FDI chỉ dừng lại ở ao hồ, sông rãnh, mà còn muốn biến Cty FDI này phải đi ra biển lớn, đối diện và đối mặt với thế giới bên ngoài mang tính toàn cầu, nhưng mang tính toàn cầu, mà chỉ dừng lại ở Thổ địa, Thần tài thì quê mùa lắm, nó chỉ là sông rãnh thôi, nó chưa đủ tầm hướng dẫn cho một Cty đi ra biển lớn, ngoài trừ đức Phật. Bởi vì, đức Phật là Vị có tầm nhìn lớn, mang tính toàn cầu, mang tính toàn thể Pháp giới, còn Thần tài, Thổ địa , ông Táo, ông Núc hay đền Mẫu, thì đó là những nét văn hóa vùng miền, và chỉ dừng lại ở nơi đó thôi, cho nên nếu mình muốn ra biển lớn mà không có tầm nhìn lớn là mình không thành công, sự an toàn của chúng ta không lấy gì để bảo chứng hết, cho nên bài Pháp thoại hôm nay chúng tôi muốn chia sẻ đến Quý vị: “Đi vào biển lớn”.
Muốn đi vào biển lớn để có một đời sống an toàn, hạnh phúc trong khi mình làm việc, trong khi mình sống, trong khi mình đối tác với nhau, giữa con người với con người, giữa con người với Quốc gia này với quốc gia khác, giữa con người có nền văn hóa này với nền văn hóa khác, giữa con người có tín ngưỡng này với tín ngưỡng khác, thì mình phải có một tầm nhìn như thế nào để mình khỏi quê mùa, lạc hậu, khỏi bị người ta loại mình ra khỏi cuộc chơi, bởi vì mình chơi tầm thường, kém cỏi quá, thì mình sẽ bị người ta loại ra khỏi cuộc chơi, hay nói trắng ra, tự mình loại mình ra khỏi cuộc chơi, cho nên muốn như vậy, Quý vị phải thực tập đến sáu điều mà chúng tôi muốn chia sẻ sau đây:
1- Tri kiến: Tri, nghĩa là biết; kiến, nghĩa là thấy. Tri kiến là sự thấy biết. Không thấy thì không thể hiểu, cho nên trước hết phải thấy để hiểu, thấy cái gì ? thấy bản thân mình để hiểu bản thân mình, trước khi để hiểu người khác; phải thấy công việc của mình để hiểu công việc của mình, trước khi giúp người khác, phải thấy vai trò của mình, phải hiểu vai trò của mình, trước khi mình nhận vai trò yểm trợ người khác.
Đối với bản thân mình, mình không thấy mình là ai, mình không thấy khả năng của mình sở trường, sở đoản như thế nào, thì chính đó là sự thất bại, chứ không ai làm cho mình thất bại hết, chính cái không biết sở trường, sở đoản của mình, mà cứ lăng xả vào, thì chính đó là sự thất bại rồi khi thất bại rồi, mình đỗ lỗi tại, bởi và vì là do thiếu chất liệu tri kiến biết mình, biết người khác, biết đối tác và biết đứng từ nhiều gốc độ để nhìn một vấn đề, phải biết đứng nhiều gốc độ để giải quyết một vấn đề.
Tổ tiên Việt nam chúng ta đã dạy chúng ra rằng: “làm quan phải xét cho dân, không tin quan cuối xuống mần mà xem”. Quan, nói theo góc độ của quan thì không bao giờ quan hiểu được dân. Cho nên, Quan muốn hiểu dân, thì xuống sống với dân và gần gũi dân, rồi từ đó mới hiểu những khó khăn của dân, chứ ông Quan cứ nói việc của ông Quan, về đường lối, chính sách của quan, mà không hiểu gì về dân hết, thì cuối cùng quan đó dân không phục, bởi vì ông nói đâu đâu có dính dáng gì đến nhu cầu cuộc sống của dân đâu? Cho nên, “làm quan phải xét cho dân, không tin quan cúi xuống mần mà xem”. Chữ “mần”, nghĩa là “làm”.
Khi một vấn đề xảy ra, mình phải có nhiều góc nhìn để giải quyết. Ấy là góc nhìn từ Vua; góc nhìn từ quan; góc nhìn từ những nhà trí thức; góc nhìn từ những nhà văn hóa; góc nhìn từ những nhà kinh tế; góc nhìn từ những nhà chính trị; góc nhìn từ những nhà giáo dục; góc nhìn từ những nhà đạo đức, tôn giáo và từ những nhà trí thức dân dã bình thường.
Mình có nhiều gốc nhìn như vậy, để giải quyết nhiều vấn đề. Mình muốn hiểu về người Mỹ, thì mình phải hiểu về văn hóa của họ, mình muốn hiểu về người Hàn thì mình phải hiểu về văn hóa người Hàn, mình muốn hiểu về người Nhật thì mình phải hiểu về văn hóa của người Nhật, mình muốn hiểu về Việt Nam thì mình phải hiểu về văn hóa của người Việt Nam và văn hóa của người Việt Nam thì văn hóa của người miền Trung khác với văn hóa của người miền Bắc, khác với với văn hóa của người miền Nam. Và văn hóa ứng xử của người miền Bắc khác với văn hóa ứng xử của người miền Nam… Nếu không hiểu những vấn đề này, chúng ta không thể đi ra biển lớn và có đi ra biển lớn đi nữa, thì cũng bể hay nát tàu thuyền thôi, trong khi đó Cty FDI là Cty chuyển vận hàng hóa quốc tế, mà mình không biết gì quốc tế cả, mình không biết gì về văn hóa tín ngưỡng của đối tác cả, thì làm sao làm ăn lâu dài với đối tác được.
Cho nên, yếu tố thứ nhất là yếu tố tri kiến, thấy để hiểu và để đối tác và đồng ahnhf lâu dài. Muốn hiểu, trước hết phải sử dụng cái thấy. Không thấy thì không thể nào hiểu. Chưa thấy, vì mắt chưa mở. Chưa mở mắt thì làm gì thấy. Chưa thấy do mắt chưa mở, hoặc một con mở, một con nhắm, hay mắt đã mở ra, nhưng bị bụi chạm ở nơi tinh thể, nên mắt mở ra mà cứ nhấp nháy liên tục, khiến chẵng thấy được cái gì.
Cho nên, muốn làm công việc gì, thì cũng phải mở mắt ra để thấy, chứ làm công việc mà làm theo bản năng, theo quán tính, theo thói quen của mình, thì không thể phát huy được công việc hàng ngày của mình đâu. Nên, yếu tố thứ nhất muốn đi vào biển lớn phải có tri kiến. Nghĩa là phải thấy để hiểu và hành động hợp lý, khiến tránh xảy ra những sai lầm.
2- Tri đế thính: Đế thính là lắng nghe. Tri đế thính là biết lắng nghe để học hỏi.
Tri đế thính là phải biết lắng nghe. Khi mình đi tới một xứ sở, mà mình chưa biết gì hết về con người, tập tục, ngôn ngữ, văn hóa, ứng xử… của những con người nơi xứ sở đó, thì trước hết là mình phải biết lắng nghe để hiểu và biết. Muốn lắng nghe thì phải có người nói cho mình nghe. Muốn người khác nói điều hay cho mình nghe, thì mình phải biết hạ thấp cái “bản ngã” của mình xuống, nghĩa là mình phải biết nói lời “ái ngữ, khiêm cung và cầu thính”, để mong người khác nói cho mình nghe. Nếu mình tự cao, cho mình đã hiểu, thì chẳng có ai muốn nói cho mình nghe đâu.
Tôi là tiến sĩ Harvard thì cũng chỉ là tiến sĩ Harvard thôi, nhưng khi nói về văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ, văn hóa Việt nam,… thì ông Tiến sĩ Harvard cũng cần phải lắng nghe để học hỏi. Vì có nhiều vấn đề của Việt nam ông ấy không thể hiểu hết. Chẳng hạn, Tín ngưỡng Thổ địa, Thần tài, Thánh mẫu… của Việt nam, ông tiến sĩ ấy chẳng hiểu biết gì nhiều, về nguồn gốc, tác dụng, triết lý, đạo lý từ thực tiễn xã hội, đến tâm linh siêu việt. Ông Thổ địa, Thần tài đặt vào vị trí nơi một công ty sản xuất, khác với ông Thổ địa, Thần tài đặt ở vị trí trong đền đài. Ông Thổ địa, Thần tài, đặt ở nơi gia đình của một trí thức, khác với ông Thổ địa và Thần tài đặt ở nơi nhà của một bà mẹ nhà quê. Do đó, muốn hiểu về một điều gì thì phải hết lòng cầu thính và lắng nghe những người nói về điều ấy.
Khi nghe người ta nói, mình chưa vội vã phán xét đúng hay sai, hay hay dỡ, mà chỉ lắng nghe, nghe một cách trân trọng và thành khẩn, khiến người nói, họ nói một cách hết lòng cho mình nghe. Điều này, tôi đã thực tập và tôi thấy rất thành công, khi ai nói điều gì khen hay chê, hoặc khen tôi hay chê tôi, tôi không bao giờ tỏ ra trên sắc mặt của mình là phản ứng hay đồng tình, tôi chỉ nhắm mắt lại mà lắng nghe. Khen tôi, tôi cũng không cười; chê tôi, tôi cũng không nhăn mặt. Muốn được như vậy, thì tôi đưa lưỡi lên ấn vào nóc họng, để làm chủ cảm xúc của mình. Người ta khen mình, mình cười cười; người ta chê mình, mình nhăn mặt. Ấy là mình thất bại, thất bại ngay với đối tác. Trước đối tác, nghe khen mà cười, nghe chê mà nhăn mặt, ấy là điểm yếu của chúng ta, nên chúng ta không thể cùng với đối tác để đi vào biển lớn.
Muốn ra biển lớn, ta phải vượt lên cái khen chê của đời thường, vượt lên khen chê của sông ngòi, ao rãnh của vùng miền. Nếu không có “tri đế thính”, thì không vào biển lớn được. Do đó, phải biết lắng nghe, và mình đi tới đâu mình phải đi sau, vì mình chưa biết, lớn mấy mà chưa biết, thì cũng phải đi sau, chứ đừng có nghĩ mình lớn là bao giờ cũng đi trước.
Cho nên, tướng xuất trận bao giờ tướng cũng đi sau, phải cho lính đi trước để thăm dò tình hình đường sá, độ an toàn ngang đâu, chứ tướng mà nghĩ ta đây là tướng khi nào cũng đi trước, ấy là điều nguy hiểm, quý vì cần phải lắng nghe và học hỏi.
Cho nên, mình đi tới đâu phải để người địa phương đi trước, họ hướng dẫn đường đi, nẻo về. Dù cho mình lớn mấy đi nữa, khi tới một địa phương khác, mình không rành những sinh hoạt ở nơi đại phương bằng người bản địa. Từ ý nghĩa ấy mà trong tín ngưỡng bình dân Việt Nam có thờ ông Thổ địa, và ông Thần tài. Không có Thần tài, thì không có tiền để chi dụng trong các công việc mà mình muốn thực hiện.
Nên biết rằng, văn hóa Thổ Địa, văn hóa Thần tài của Việt Nam vừa thật tế, mà vừa siêu việt. Thực tế vì mình đi đến đâu không thể thiếu không thể thiếu sự chia sẻ hay yểm trợ của Thổ địa và Thần tài. Ta đi tới đâu cũng phải có tiền, không có tiền thì không đi đâu được; đi tới đâu ta cũng có Thổ địa, không có Thổ địa, thì ta không biết gì về đia phương ấy đi hành hoạt thành công. Biết ứng dụng tín ngưỡng hay văn hóa Thần tài, Thổ địa thì dẫn tới thành công mọi công việc mà mình muốn làm. Thành công ngay cả những việc nhỏ cho đến những việc lớn.
Cho nên, mình đi đâu phải “tri đế thính”, phải biết lắng nghe, học hỏi văn hóa vùng miền, học từng kinh nghiệm của từng con người thì mình mới ra biển lớn được, không học thì biết gì mà ra biển lớn? Biết đi hướng nào mà ra, biết phương nào mà đến?
3-Tri giản trạch: Tri giản trạch. Trạch là lựa chọn; giản là đơn giản. Tri giản trạch giản là biết lựa chọn và đơn giản hóa vấn đề. Không làm cho vấn trở nên phức tạp, rối rắm mà làm cho mọi vấn đề khi đối tác, trở nên trong sáng, giản dị để dễ lựa chọn cách giải quyết.
Sau khi thấy, nghe, phải biết lựa chọn phương pháp giải quyết. Có những điều hay, nhưng mà năm năm sau mới thực hành được, chứ không phải hay mà thực hiện thành công liền được; có những điều hay mà mười năm sau, mới biến nó trở thành cụ thể được; có những điều hay thuộc về chiến lược, chứ không thuộc chiến thuật; có những điều hay thuộc chiến thuật thì ta làm liền, vì không làm liền thì ta mất cơ hội.
Cho nên, phải biết lựa chọn và biết ứng dụng vào công việc, sau khi mình đã lựa chọn; phải biết đào tạo người tiếp nối, cho những công việc từng giai đoạn, từng thời kỳ mới duy trì được cơ sở.
Tri giản trạch là biết loại ra những gì không phù hợp với thực tế công việc và thực hiện ngay những gì phù hợp. Có như vậy, mới đi ra được biển lớn.
4-Tri hành: Tri là biết; hành là thực hành. Nghĩa là thực hành theo cái biết của mình đã chọn lựa.
Khi đã chọn lựa và mang tính cách quyết định, thì không còn bàn lui, bàn tới, cứ như thế mà đi, cứ như thế mà hành.
Có như vậy, mình mới duy trì được tổ chức của mình lâu dài; có như vậy, mình mới duy trì với đồng nghiệp và đối tác; với mọi người quan hệ, chứ mình nói hay mà làm dỡ, không cương quyết, thì không ai chơi với mình.
Muốn làm ăn lâu dài với đối tác, phải tránh ngôn ngữ và phong cách ngoại giao. Vì sao? Vì ngôn ngữ và phong cách ngoại giáo thì không bền; vì ngoại giao thì chỉ là ngoại giao thôi, còn người ta sống với mình mà! Cả cuộc đời của họ, gắn bó với mình; sự nghiệp của họ gắn bó với mình, cho nên không thể sử dụng ngôn ngữ và phong cách ngoại giáo để ứng xử mà phải biết ứng xử ngôn ngữ và phong cách tri hành.
5- Tri nhu nhuyến: Nhu nhuyến là mềm mỏng, uyển chuyển, linh hoạt khong khôn phép cứng nhắc.
Mềm mỏng, uyển chuyển, linh hoạt là một trong những tố chất của những người lãnh đạo có tài năng. Một người lãnh đạo có tính mềm mỏng nhu nhuyến, người ấy dễ thu phục được lòng người và những người thuộc cấp sẵn sàng đem khả năng của mình để cống hiến hay phụng sự. Cho nên, người xưa có nói: “lạc mềm buộc chặt”. Lý trí là cái cứng rắn, tình cảm là cái mềm mại. Trên thực tế, “tình cảm” buộc nhau, chứ “lý trí” có buộc ai được đâu nào. Người có lý trí thì hay phê phán; người có tình cảm thì hay bao dung, độ lượng.
Nhưng, tri nhu nhuyến không thuộc về thuần tình cảm mà thể hiện tình cảm đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng công việc và đúng phương pháp. Nên, tri nhu nhuyến là mềm mỏng mà hiểu biết, chứ không phải không hiểu biết. Ứng xử nhu nhuyến mà hiểu biết, nên sự ứng xử ấy có độ bền với mọi đối tác.
Hãy nhìn vào răng và lưỡi nơi miệng của chúng ta, để ta thấy rõ, chức năng và thọ mạng của răng và lưỡi. Răng sinh ra sau, nhưng rụng trước, vì cứng; lưỡi sinh ra trước, nhưng lưỡi luôn tồn tại với thân thể, vì lưỡi mềm.
6-Tri hội nhập: Biết lãnh hội và gia nhập với nhau; biết đồng hành và tồn tại với nhau; biết tương quan tương sinh cúng nhau.
Phải biết cách hội nhập vào mọi lãnh vực của xã hội, phải biết cách hội nhập vào công việc của mọi đối tác; phải biết đối tác của mình mạnh chỗ nào; yếu chỗ nào và khi mình biết như vậy, mình mới hội nhập được và khi hội nhập thì cả hai bên đều có lợi, người ta có lợi mà mình cũng có lợi và khi đối tác thiệt hại thì mình cũng thiệt hại. Và mỗi khi có lợi rồi, thì đối tác bảo vệ mình, mình bảo vệ đối tác. Cũng có những trường hợp khi bảo vệ mình, đối tác bị thiệt hai tạm thời, nhưng họ sẽ có lợi lâu dài và mình có lợi tạm thời, nhưng bị thiệt hại lâu dài.
Dù biết có lợi hại lâu dài hay tạm thời như vậy giữa hai đối tác, nhưng khi đã có tri hội nhập, thì hai bên đều biết “nhường và nhận” đúng lúc, đúng chỗ, đúng công việc, đúng người, đúng pháp, thì sự hội nhập ấy mới lâu dài và không bị phân rã.
Như vậy, thực tập sáu yếu tố này, chúng ta sẽ đi vào biển lớn mà nhất là biển lớn FDI của một CTy chuyển vận hàng hóa toàn cầu.
Chuyển vận hàng hóa toàn cầu, thì phải có nhiều đối tác. Trong đó không có đối tác nào giống đối tác nào. Có những khi mình biết chuyển vận cho đối tác này, chỉ ngang vốn thôi, mà mình vẫn vui vẻ làm. Làm để làm gì? Làm để hiểu người ta thêm và chính sau đó, mình hội nhập vào công việc của họ và họ cùng mình tương tác để cùng nhau nâng giá trị hợp tác lên một tầm cao, thì sự tồn tại của chúng ta có ý nghĩa lâu dài.
Cho nên, khi hội nhập mình phải mềm mỏng, đừng có lúc nào cũng nghĩ lợi về mình, vì giữa đời này chẳng có ai dại đâu? Mình biết hy sinh cho nhau một chút thì sự gắn bó lâu dài sẽ xảy ra. Không những vậy, họ còn giới thiệu những đối tác khác cho công ty FDI nữa.
Cho nên, muốn đi vào biển lớn từ việc kinh doanh đến việc gia đình, cho đến việc học thuật, cho đến việc tu tập, cho đến việc thăng hoa bản thân mình, cho đến cả việc quốc gia đại sự, thì tất cả không ra ngoài sáu yếu tố này.
Tùy theo điều kiện mà chúng ta thể hiện, giống như dây điện cần nấu ăn thì cắm điện vào để nấu ăn, cần giặt đồ thì cắm điện vào để giặt đồ, cần đi xe hơi thì cắm điện vào để đi xe hơi, cần sạc pin thì cắm điện vô sạc pin…; cho nên, sáu yếu tố này, nếu mình biết ứng dụng vào bất cứ lãnh vực nào, thì từ con người bình thường trở thành con người cao thượng; từ một con người kiến thức kém cỏi trở thành con người có kiến thức uyên bác; từ sự thất bại trở thành con người thành công đầy bản lĩnh và có như vậy,chúng ta mới tạo ra mùa xuân cho chính chúng ta, cho đồng nghiệp, cho gia đình, cho quê hương xứ sở của chúng ta. Và như vậy, mùa xuân của cuộc sống không đến với chúng ta từ những hứa hẹn hay ước mơ mà đến với với chúng ta một cách đích thật.
Nam Mô A Di Đà Phật
Đệ tử Trần Thị Phượng Liên – Nhuận Pháp Nguyên kính phiên tả.
Sài gòn 16.02 Giáp Thìn PL 2567 nhằm ngày 25 tháng 03 năm 2024