Pháp Thoại : 5 Điều Tuyên Thệ của Công Ty FDI Qua Cách Nhìn Quán Chiếu – P3

(Thầy Thích Thái Hòa giảng tại văn phòng công ty FDI ở Tp Hồ Chí Minh, ngày 4/4/2013)

Cho nên, cái gì mình cũng phải để ý để học hỏi, người ta gói một gói  hàng,  dù  không  phải  là  phận sự  của  mình,  nhưng  mình  cũng phải  để  ý  cách  gói. Tuy  mình  làm máy tính giỏi, nhưng một mai trong công  ty  chị  gói  hàng  có  chuyện đột  xuất  xin  nghỉ,  ngoài  công  việc chuyên môn vi tính, mình cũng có thể phụ gói hàng đóng kiện được, chúng ta làm việc không nên cứng nhắc mà phải biết linh động.

Cuộc  sống  của  con  người  rất sống  động,  nên  mình  làm  việc cũng  phải  sống  động  như  cuộc sống  của  con  người  vậy.  Nền giáo  dục  Tây  phương  đặt  nặng về  khoa  học  kỹ  thuật  và  làm  kinh tế  theo  phương  pháp  dây  chuyền nên  rất  cứng  nhắc.  Tư  duy  của người Tây phương nhắm tới khám phá ngoại giới. Tư duy của người Đông phương nhắm tới khám phá nội tâm. Nên cách sống của người Đông phương phong phú đa dạng và sâu thẳm. Cho nên các anh chị em phải biết lắng nghe và có nhiều phương  pháp  học  hỏi  để  có  khả năng  thích  ứng  với  mọi  công  việc và mọi hoàn cảnh.

Ta  có  lỗ  tai  phải để lắng nghe âm thanh phát ra từ phía phải và ta có lỗ tai trái để lắng nghe âm thanh phát ra từ phía trái hay từ phía đối lập. Ta có hai tay, tay phải để làm việc  về  phía  phải  và  tay  trái  là  để làm  việc  từ  phía  trái.  Phải  và  trái đều hỗ trợ cho nhau để thành tựu được một sự kiện. Ta có hai chân, chân trái bước đi là để hỗ trợ cho chân  phải  và  chân  phải  bước  đi là  để  hỗ  trợ  cho  chân  trái.  Chính cuộc  sống  đã  giúp  cho  mình  có được  kinh  nghiệm  như  thế.  Cấu trúc cơ thể sinh học, bán cầu não phải là để điều khiển những hành hoạt của nửa thân bên trái và bán cầu não trái là để điều khiển những hành hoạt của nửa thân bên phải.

Nên,  phải  và  trái  là  để  hỗ  trợ nhau đi đến một đời sống toàn diện mà  không  phải  để  đối  lập  nhau. Nên, sáng tạo phải có cơ bản, chứ không phải sáng tạo một cách tùy tiện;  sáng  tạo  có  nguyên  tắc,  chứ không phải sáng tạo tùy tiện.

Sáng  tạo  có  nguyên  tắc  là  thế nào?  Nghĩa  là  bất  cứ  điều  gì  mà đem lại lợi ích cho công ty và duy trì được niềm tin của khách hàng đối với công ty thì mình làm và trái lại thì  không  nên  làm.  Cho  nên  sáng tạo là sáng tạo theo nguyên tắc cơ bản này. Sáng tạo theo nguyên tắc cơ  bản  này  ta  sẽ  không  sợ  phạm lỗi đối với mọi quy chế của công ty.

Vị vua trị nước có các vị tướng giỏi biết hy sinh vì nước, vì vua thì vua liền ban cho vị tướng ấy phép “tiền trảm  hậu  tấu”, nghĩa phép “chém  trước  tâu  sau”.  Vị  tướng giỏi  khi  ra  chiến  trường,  tùy  theo thế của quân địch mà ứng xử, mà không cần phải tâu vua. Thấy trong quân trận  có  kẻ  phản  trắc,  chém đầu trước, tâu vua sau.

Lãnh đạo công ty phải biết  rõ  tài  năng  và  khả năng  của  nhân  viên  để trao  quyền  hạn  và  trách nhiệm  đúng  người,  đúng việc.

Điều bốn: Với đồng nghiệp thân tình giúp đỡ

Tất cả chúng ta đều là anh chị em trong một ngôi nhà  đồng  nghiệp,  nên chúng ta phải biết tận tình giúp  đỡ  lẫn  nhau.  Trong chúng  ta  mỗi  người  có một hoàn cảnh khác nhau, ở  trong  chúng  ta  không có  ai  là  không  có  những khó  khăn  riêng  của  chính mình,  mỗi  người  có  một cách  khó  khăn  thì  mình phải biết để mà giúp nhau. Ví dụ: chị A có con hai tuổi cần  đi  mẫu  giáo,  nhưng chưa có ai đón con, mình có thể nói chị A đi đón con đi, còn trước nửa giờ để mình làm giúp cho, để cho chị A đi đón cháu về,  đó  cũng  là  đồng  nghiệp  thân tình  giúp  đỡ  lẫn  nhau.  Người  kia thấy mình được giúp đỡ và ưu tiên cũng  sanh  tâm  cảm  thấy  ái  ngại, nên  là  đồng  nghiệp  thì  mình  phải biết ngay cái tâm ái ngại của người đó để động viên. Hoặc trong cơ sở có đồng nghiệp, vội vã đi về không tắt  máy  vi  tính,  mình  về  sau  phát hiện máy vi tính chưa tắt, thì mình tắt  máy  giúp  cho  đồng  nghiệp  để bộ  phận  kiểm  tra  khỏi  quở  trách người  đó,  ấy  cũng  là  một  hành động giúp đỡ đồng nghiệp.

Cho  nên,  chỉ  cần  có  tinh  thần đồng  nghiệp  là  mình  có  thể  thực hiện  được  điều  thân  tình.  Khi  mọi người thấy trong cộng đồng mình, công ty mình có tình thân ái, có tình đồng nghiệp giúp đỡ lẫn nhau, yểm trợ  cùng  nhau  như  vậy,  thì  không ai muốn xa rời công ty FDI hết và đến làm việc ở công ty là một hạnh phúc.  Cho  nên,  công  ty  như  một ngôi  nhà  thứ  hai  của  mình,  trong ngôi nhà ấy, tinh thần đồng nghiệp biết  giúp  đỡ  lẫn  nhau  rất  là  thiết thực và quan trọng. Ví dụ: gia đình các nhân viên có tang chế hoặc có người thân chết đột ngột, khi công ty biết thì bộ phận phụ trách vấn đề đó phải bay đến giúp đỡ liền, vì sự ra đi đột ngột của người thân như vậy,  thường  làm  cho  người  thân bối rối, không biết phải làm gì, nên những người lãnh đạo công ty thấy trong hoàn cảnh ấy của nhân viên thiếu gì thì liền giúp ngay, việc làm ấy mới là điều quan trọng và đây là điều rất cần thiết mà mình phải thể hiện cho được.

Có đôi khi cả đời mình làm máy tính toán rất giỏi, nhưng đến khi cha mẹ mất, thì lúng túng, khi mời thầy đến, không biết để thầy ngồi ở đâu, pha ly nước cho thầy thì mình có kinh nghiệm rồi, mình thay bạn làm điều đó.

Tôi chỉ nói đại loại như vậy thôi, để  quý  vị  suy  nghĩ  ra  nhiều  mặt khác nữa, nhằm có nhiều cách hỗ trợ nhau. Ví dụ: Mỗi người chúng ta đều có gia đình, mỗi gia đình đều có những thuận lợi hoặc khó khăn. Thấy bạn mình ngày hôm qua vui lắm, tự nhiên hôm nay gặp ai cũng gây hết, thì mình cũng đừng trách móc người đó, mình ngồi yên nghe họ  gây,  sau  đó  mình  nghiên  cứu và  biết  rõ  đúng  là  ngày  hôm  qua chồng  cô  ấy  đi  nhậu  về,  rồi  quậy phá  làm  cho  cô  ta  mất  ngủ,  nên sáng  nay  cau  có  mặt  mày,  khó chịu. Cho nên, mình phải biết hoàn cảnh của họ để yểm trợ. Mình phải biết hoàn cảnh của từng người để mà hỗ trợ, cho nên tinh thần hỗ trợ đó rất là thiết thực, rất cần thiết cho đồng nghiệp của chúng ta.

Điều  năm:  Với  gia  đình  thì thương yêu và trách nhiệm

Mình đi ra xã hội kiếm tiền để làm gì? Nếu kiếm tiền để thỏa mãn những sở thích ăn chơi của mình thì  việc kiếm tiền đó là vô nghĩa. Kiếm tiền để tiêu tiền cho thỏa thích lòng tham của mình thì sự kiếm tiền như vậy là phá sản đời sống tinh thần của  mình,  phá  sản  gia  đình  mình và phá sản phước báu làm người của mình. Cho nên, mình đi ra giữa xã hội kinh doanh làm ra sản phẩm, kiếm tiền để giúp đỡ cho gia đình mình, ấy là một cách thể hiện tình thương  và  trách  nhiệm  của  mình đối  với  gia  đình  mình,  và  cũng  là một cách thể hiện tình thương của mình đối với đồng nghiệp, đối với mọi  người,  và  đó  mới  là  ý  nghĩa đẹp  của  người  dấn  thân  vào  sự nghiệp kinh doanh. Yêu thương gia đình là gì? Ví dụ: anh Nghĩa ngoài chuyện làm giám đốc, anh còn có bổn phận làm con của cha mẹ, bổn phận  làm  chồng,  bổn  phận  làm cha, bổn phận làm rể. Chị Phượng Liên ngoài bổn phận làm giám đốc ra, còn bổn phận làm vợ, làm mẹ, làm  dâu,  làm  con  gái,  nhưng  chị Phượng Liên thể hiện tư cách làm dâu bên gia nương mình rất tốt, thì anh  Nghĩa  đừng  để  chị  Liên  lúng túng, anh Nghĩa cũng phải thể hiện tư cách làm rể của mình đối với gia đình chị Phượng Liên thật tốt.

Như vậy, khỏi lúng túng cho chị Phượng Liên, chị Phượng Liên thể hiện tư cách làm dâu, làm vợ mình rất  tốt  thì  khỏi  làm  lúng  túng  cho anh  Nghĩa.  Sự  yêu  thương  này không  phải  cho  nhau  tiền  bạc  mà phải cho nhau cách hành xử thông minh. Yêu  thương  gia  đình  không phải  yêu  thương  từ  một  phía  mà là  yêu  thương  từ  hai  phía,  còn nếu  mình  cầm  tiền  cho  nhiều  mà sử  dụng  không  hợp  lý,  thiếu  trí tuệ,  thiếu  cân  nhắc,  thì  đồng  tiền sẽ giết chết gia đình mình, chứ nó không  phải  tạo  ra  yêu  thương  gia đình  mình.  Muốn  người  khác  yêu thương  mình  thì  mình  phải  yêu thương  người  khác,  muốn  bảo vệ cái của mình thì mình phải biết bảo  vệ  cái  không  phải  của  mình, khi nào ta có khả năng bảo vệ cái không  phải  của  mình,  thì  ta  mới có  khả  năng  bảo  vệ  được  mình. Bảo  vệ  mình  bằng  cách  bảo  vệ cái  không  phải  của  mình,  mới  gọi là  người  biết  bảo  vệ  mình.  Cách bảo  vệ  này  là  cách  bảo  vệ  tuyệt vời. Còn nếu mình chỉ bảo vệ mình bằng  cách  chỉ  nghĩ  về  mình,  thì mình sẽ không bảo vệ được mình, vì sao? Vì đó là bảo vệ không có trí tuệ, nó chỉ là ích kỷ. Ích kỷ thì chỉ đưa tới hại mình mà không có khả năng bảo vệ được mình. Cho nên, yêu thương phải đi kèm với trí tuệ và chỉ có trí tuệ mới bảo vệ được yêu thương.

Ngoài  trí  tuệ,  không  có  bất  cứ một  thứ  gì  ở  trên  đời  này  có  khả năng  bảo  vệ  được  yêu  thương. Yêu  thương  là  một  phép  lạ  và trí  tuệ  là  phép  lạ  để  bảo  vệ  yêu thương. Nhờ chất liệu yêu thương giúp ta gắn kết với gia đình và nhờ có  trí  tuệ  giúp  cho  ta  gắn  kết  với gia đình một cách có ý nghĩa, một cách có trách nhiệm. Có chồng ta phải có trách nhiệm với chồng, có vợ ta phải có trách nhiệm với vợ, có con cái, ta phải có trách nhiệm với con  cái.  Những  trách  nhiệm  ấy  là những trách nhiệm mang tính chất cơ  bản  đạo  đức  của  con  người. Nên,  tôi  thấy  năm  điều  tuyên  thệ của  công  ty  FDI  này  là  năm  điều mà các thành viên của công ty cần phải  tuyên  thệ  mà  cần  phải  tuyên thệ giữa nhiều người để cho nhiều người  cùng  biết  là  mình  đã  tuyên thệ. Tuyên thệ giữa mọi người, tạo nên  ý  lực  sống  cho  ta  và  giúp  ta vượt qua những tâm ý hèn yếu của chính mình. Không tuyên thệ ta có thể làm việc theo cảm hứng. Thích thì ta làm, không thích thì ta không làm,  làm  việc  theo  cảm  hứng  khó đạt đến thành công.

Bởi  vì,  khi  đã  tuyên  thệ  giữa nhiều người, thì khả năng tự trọng và  tự  ý  thức  trách  nhiệm  nơi  ta phát sinh rất cao, đây là một trong những  yếu  tố  tạo  nên  sự  thành công  cho  ta  trong  công  việc  mà ta  đã  nguyện  làm.  Vì  vậy,  ta  cần phải tuyên thệ và cần phải nắm tay nhau để tuyên thệ.

Ngoài  năm  điều  tuyên thệ, Công ty FDI còn có hai điều tâm niệm nữa:

Điều  1:  Khách hàng luôn luôn đúng. 

Điều 2:  Khách hàng có sai thì xem lại điều 1.

Hai điều tâm niệm này đúng là nghệ  thuật  tiếp  thị.  “Khách  hàng luôn luôn đúng”, vì họ bỏ tiền ra để đầu tư hay hợp đồng với mình, nên họ có nói đúng hay sai gì, thì mình cứ  ngồi  yên  để  lắng  nghe  họ  nói và  mình  thấy  trong  điều  kiện  mà mình có thể hợp đồng thì hai bên cùng  bàn  bạc  để  hợp  đồng.  Còn nếu hai bên đều thấy không có lợi, thì cần phải họp bàn với nhau cho kỹ càng, kinh doanh thì chỉ nói đến lợi và hại, chứ mắc gì nói đến đúng và sai.

Nếu  nói  đúng  mà  hợp  đồng chưa ký thì vẫn là chưa đúng, bởi vì đúng là đúng hợp đồng, mà sai là sai với hợp đồng, chứ làm gì có cái  đúng,  cái  sai  ngoài  hợp  đồng. Nhưng, khi mình ký hợp động rồi, thì  cái  đúng  là  cái  đúng  của  mình đã  thực  hiện,  mà  cái  đúng  của khách hàng chưa ký hợp đồng thì cái  đúng  đó  là  cái  đúng  của  việc không  công,  chứ  chưa  phải  là  cái đúng  mình  cần  đòi  hỏi  họ  thực hiện, nên mắc gì mà cãi cho mệt, khiến  mất  lòng  khách  hàng,  cho nên  đây  là  một  nghệ  thuật  tiếp thị.  Nói  như  vậy  là  nhân  viên  FDI không có tranh cãi với khách hàng khi chưa có hợp đồng.

Đã có hợp đồng thì cứ theo hợp đồng mà làm cần gì phải tranh cãi. Tránh sự tranh cãi tức là tránh sự mất lòng nhau. Mất lòng nhau dẫn tới phiền toái và thiệt hại trong sự nghiệp  kinh  doanh. Trong sự nghiệp kinh doanh, mục đích ưu tiên của nó là lợi nhuận. Khi mình bàn bạc với nhau thấy hai bên đều có lợi  và  có  thể  thực  hiện  được  thì mình  ký  hợp  đồng.  Như  vậy,  khi kinh doanh chỉ có đúng là đúng với hợp  đồng  và  chỉ  có  sai  là  sai với hợp đồng, chứ không có đúng sai theo sự tranh cãi.

Đúng  với  hợp  đồng  thì  mình phải thi hành như thế nào, còn sai với hợp đồng thì công ty bồi hoàn hoặc  khách  hàng  phải  bồi  hoàn cho công ty như thế nào là tùy theo sự quy ước với nhau trong văn bản hợp đồng. Chứ khách hàng nói tôi đúng,  nhân  viên  công  ty  nói  tôi đúng,  hai  bên  cứ  nói  như  vậy  với nhau, cãi nhau, mà không căn cứ trên hợp đồng, thì hai bên đều sai hết, công việc không làm được.

Cho  nên,  dù  khách  hàng  sai cứ để cho khách hàng đúng đi, họ đúng rồi họ đi, vì họ là khách mà. Trong nhà mình, trong nội bộ công ty  mà  tranh  cãi  đúng  sai  mới  là nguy hiểm, mới đưa tới mất đoàn kết. Cho nên bữa nay, khách hàng nào tự cho họ đúng thì cứ để cho họ đúng. Nhưng mà khi bắt tay vào việc ký hợp đồng rồi, thì mình mới nói chuyện đúng sai theo hợp đồng và  đúng  sai  ấy  có  luật  pháp  giám định.  Cho  nên  đúng  là  đúng  với hợp đồng, sai là sai với hợp đồng, còn không có hợp đồng thì ai nói gì cũng đúng hết, đúng theo cách nói của người ta. Mọi người có muôn ngàn cái đúng, chứ không phải chỉ có một cái đúng đâu, ta đừng tra- nh cãi đúng sai với họ mà lao tâm mệt trí.

Cho  nên,  tôi  chỉ  giảng  Phật pháp đúng là đúng với lời Phật dạy và tôi chỉ giảng sai là do tôi nói sai lời Phật dạy, nên cái đúng, sai của người con Phật là rõ ràng như thế. Thế giới này làm gì có chuyện đúng sai. Tôi nói đúng, vì tư cách tôi nói từ vị trí Tổng Giám Đốc, Giám Đốc. Nhân  viên  nói  đúng,  vì  nhân  viên đứng  ở  góc  độ  nhân  viên,  nhưng mà sai ở vị trí, cách nhìn nhận và trách nhiệm đối với sự việc của vị Giám Đốc. Vị Tổng Giám Đốc hay vị  Giám  Đốc,  nhìn  thấy  công  việc của  công  ty  từ  năm  năm,  mười năm,  hai  mươi  năm,  trong  lúc  đó nhân  viên  chỉ  thấy  công  việc  của công  ty  là  trước  mắt  hay  vỏn  vẹn tám  tiếng  đồng  hồ,  thì  làm  sao  ta có thể nói đúng hay sai ở hai vị trí và hai tầm nhìn khác nhau như thế.

Cho nên, ta đừng nói đúng sai giữa hai vị trí khách và chủ mà hãy nói đúng sai theo tuệ giác. Đối với tuệ  giác  kinh  doanh,  người  kinh doanh  có  thể  chấp  nhận  thiệt  hại lợi nhuận về mình ở vào thời gian đầu để giới thiệu mặt hàng và tạo nên thương hiệu, nhưng, họ có thể thu nhận lợi nhuận vào những giai đoạn kinh doanh  tiếp  theo  và  lâu dài.  Với  tuệ  giác  này,  người  kinh doanh không có chiến lược không thể nhận ra và không có khả năng thực  hiện.  Trong  lúc  người  kinh doanh thiển cận, họ có thể lên án chiến lược kinh doanh này là sai và họ chỉ nhắm đến những lợi nhuận trước mắt.

Nên, lối kinh doanh thiển cận là lối kinh doanh nguy hiểm nhất. Cho nên,  trong  sự  nghiệp kinh doanh không  những  đòi  hỏi  phải  có  căn bản  trí  thức  mà  còn  phải  có  trực giác kinh doanh để có thể đối xử và thích ứng được với mọi tình huống của đối tác.

Một  công  ty  lớn  mang  tầm  vĩ mô quốc tế như công ty FDI, không phải chỉ có cái nhìn thuộc về chiến thuật  kinh  doanh  mà  còn  phải  có chiến  lược  kinh  doanh.  Chiến thuật  kinh  doanh  chỉ  đối  ứng  cho một thời kỳ và cho một vài đối tác, nhưng  chiến  lược  kinh  doanh  thì thích  ứng  cho  mọi  thời  kỳ  và  cho mọi đối tác.

Sau đây là phần câu hỏi mở rộng:

Đối với thuận cảnh, nên phóng trí tuệ để sống; đối với nghịch cảnh, nên phóng tâm từ bi để sống. Đối với  thuận  cảnh,  mình  sống  có  trí tuệ,  sẽ  không  bị  cái  thuận  cảnh cuốn  hút  và  nhấn  chìm.  Vì  sao? Vì với thuận cảnh, mình làm ngày nay được một triệu, ngày mai được hai triệu, ngày mốt làm được năm triệu… Và cứ như thế, mình tưởng cuộc  đời  nó  êm  xuôi,  không  ngờ mọi  chuyện  không  phải  như  thế. Mình biết cuộc đời này nó luôn luôn có những biến động bất ngờ. Mình có  thể  hôm  nay  làm  được,  ngày mai mình có thể thất bại, cho nên đối với thuận lợi mình cần phải có trí  tuệ  để  tránh  ỷ  lại  và  chủ  quan. Đối  với  công  việc  thuận  lợi,  cần phải phóng trí tuệ ra để sống, khiến ở trong thuận lợi, mình không bị cái thuận  lợi  nhấn  chìm.  Nên  có  một nhà  thơ  nói:  “Đường  êm  ái  ai  đi mà nhớ ngõ”. Đi trên đường êm ái, thiếu  trí  tuệ,  ta  dễ  đánh  mất  cảnh giác. Nhưng, đường đời muôn vạn nẻo, chẳng có nẻo đường nào êm ái  cả.  Chúng  không  lồi  lõm,  khúc khuỷu  cách  này,  thì  cũng  lồi  lõm, khúc khuỷu cách khác. Nếu đi trên mọi  nẻo  đường  đời,  ta  không  ý thức được điều này, thì rất dễ bị tai nạn.

Nên,  trong  thuận  cảnh,  ta  phải phóng trí tuệ để sống. Sống trong nghịch  cảnh  thì  ta  ta  phải  biết phóng  từ  bi  để  sống  hay  là  sống với  tâm  từ  bi.  Sống  trong  nghịch cảnh, thì chỉ có tâm từ bi mới giúp ta sống được an lành. Có tâm từ bi ta mới có đủ khả năng ôm ấp ng- hịch cảnh để nhận diện và chuyển hóa. Pháp  hành nhẫn  nhục  trong Phật  giáo  không  phải  là  đè  nén hay thoái lui trước nghịch cảnh mà đối diện và mở rộng tâm từ bi, để nghịch cảnh đi vào khoảng không gian rộng lớn của tâm thức và trở thành hạt giống bất hại.

Bởi vì, nếu đè nén tâm thức, thì tâm thức tự bạo động. Đối lập với tâm thức, thì tự thân tâm thức phản kháng lại tâm thức, ấy là sự phản kháng nguy hiểm nhất. Vì sao? Vì ta bất mãn một điều gì đó, điều đó sẽ tồn đọng và ẩn chứa ở nơi tâm thức ta và mỗi khi có cơ hội là nó bộc phát. Dồn nén càng mạnh, thì sự bộc phát càng dữ dội.

Nên tu tập không phải là sự đè nén tâm mình mà mở rộng tâm ra, để cho những gì bị dồn nén ở trong tâm thức được buông thư và có cơ hội  chuyển  hóa.  Cho  nên,  sống trong cái thuận cảnh, ta phải có trí tuệ  để  đừng  rơi  vào  lỗi  chủ  quan mà hỏng việc.

Sống trong nghịch cảnh, ta phải biết phóng tâm từ bi để ôm ấp cái nghịch cảnh đó và biết rằng, chính tác nghịch là tác thành, để từ đó ta rèn luyện cái ý chí của ta. Để rèn luyện  và  nuôi  dưỡng  ý  chí,  tôi  có bài thơ Hơi trượng như sau:

“Sỏi đá vun lên mấy cội tòng
Đất trời ai biết có ai không
Mưa chang mấy độ un tâm chí
Nắng quái bao ngày luyện khí công

Đuổi gió xua tan lòng bạc nhược
Lùa mây hội tụ khí anh phong
Đúng thời mở cửa bung hơi trượng
Non nước hoan ca bản đại hùng”.

Cho nên, sống ở trong nghịch cảnh ta biết phải làm cái gì và sống trong thuận cảnh ta phải biết làm cái gì. Khi mưa đến mình phải biết gieo hạt gì; khi nắng đến mình phải biết trồng cây gì, sự hiểu biết ấy giúp ta thành công.

Sự hiểu biết ấy, trong Phật giáo gọi là Trạch pháp giác. Trạch pháp giác là cái biết lựa chọn để thích ứng ở trong điều kiện có thể.

Trái  cam  bản  chất  là  ngọt, nhưng  chất  ngọt  ấy  phải  đi  qua các  thời  kỳ  đắng,  chát  và  chua mới  tạo  nên  ngọt.  Nếu  ta  không biết hái cam đúng thời, trái cam ta hái sẽ bị vứt bỏ. Cho nên, “tri thời”, nghĩa là biết hành động đúng thời, là một trong những pháp hành rất căn bản của Phật giáo. Đặng Dung có nói hai câu thơ về biết thời như sau:  “Thời  lai  đồ  điếu  thành  công dị; Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”.

Thời đến thì người câu cá thành công cũng dễ dàng, nhưng mà thời vận đi rồi thì người anh hùng uống nhiều nước hận.

Cho nên, kẻ thông minh trên đời là phải biết vận dụng đúng thời, để thực  hiện  tài  năng  của  mình.  Trí tuệ  là  chất  liệu  sinh  khởi  từ  định tâm. Muốn có định tâm thì phải tôi luyện  thiền  định.  Và  thiền  định  thì không ai có thể luyện tập thế cho ai và không ai có thể hiến tặng thiền định cho ai được cả.

Muốn có trí tuệ mỗi người phải tự luyện tập thiền định. Thiền định phải  được  thiết  lập  trên  nền  tảng của  giới.  Giới  được  thiết  lập  trên ba  pháp  thanh  tịnh:  Khéo  phòng hộ thân để thân nghiệp thanh tịnh; khéo phòng hộ ngữ để ngữ nghiệp thanh tịnh và khéo phòng hộ ý để ý nghiệp thanh tịnh. Ba nghiệp thanh tịnh, ta có khả năng phóng ra trí tuệ trong  đời  sống  thuận  và  phóng  ra từ bi giữa những gì đối nghịch, để sống  giữa  hai  cảnh  thuận  nghịch, ta luôn được bảo hộ và an toàn.

(Nhuận  Pháp  Nguyên  và  Lâm Hải phiên tả. Thầy Thích Thái Hòa chỉnh sửa). ■