(Thầy Thích Thái Hòa giảng tại văn phòng công ty FDI ở Tp Hồ Chí Minh, ngày 4/4/2013)
Giờ đây Công ty khi khách hàng đến làm việc với Công ty thì trước hết mình phải nở một nụ cười tươi, sẵn sàng giúp đỡ khách hàng, thì khách hàng sẽ thương và gắn bó với mình. Mỗi khi khách hàng đã quý mến, tin tưởng lòng quý trọng của công ty đối với khách hàng, thì tự họ quảng cáo cho công ty. Các khách hàng quảng cáo cho công ty có giá trị và thu hút hơn nhân viên của công ty quảng cáo. Khách hàng quảng cáo cho công ty, nó thiết thực hơn tivi, internet, báo chí quảng cáo. Khi người khách hàng đến với công ty, họ không rành, nhưng nhân viên công ty chào hỏi, quý trọng và giúp đỡ họ tận tình không điều kiện nào cả, thì nhân viên công ty sẽ nhận lại một tình cảm rất lớn từ tâm tư của khách hàng. Mỗi khi khách hàng đã có tình cảm và tin tưởng công ty, họ không bao giờ để cho công ty bị thiệt hại mà còn tìm đủ mọi cách yểm trợ để công ty được phát triển và tiền do lợi nhuận từ đối tác, có khi không bằng tiền do khách hàng đối tác mang lại. Như bản thân tôi cũng vậy, tôi đi xe thồ hay đi xe taxi mà tài xế chân tình và tận tụy, có khi tôi còn tặng tiền gấp đôi giá tiền xe theo thỏa thuận nữa. Tặng cho họ mà họ nhận là mình thấy hạnh phúc. Trái lại, mình đi xe thấy tài xế mặt mày nhăn nhó, không chân tình ưa kèo nài là tôi không thích và chắc chắn là tôi sẽ không tặng cho họ đồng nào. Cảm giác này dường như không phải tâm lý của thầy Thái Hòa mà đó là tâm lý chung của tất cả chúng ta.
Nên, khi đi Ấn Độ, đến núi Linh Thứu, tôi rất xúc động, vì ở nơi đây tôi cảm nhận được hình ảnh của đức Phật ngày xưa hiện về trong tôi với bao nhiêu chuyện mà tôi đọc được từ kinh điển, lòng dặn lại lòng là sau khi lạy Phật xong, mình tự nguyện rút tiền ra để cúng dường từ trong trái tim mình. Nhưng, khi lạy chưa xong lạy thứ ba, thì có một giáo sĩ Ấn giáo quản lý Phật tích, vỗ vào người tôi và gợi ý cúng dường. Bấy giờ trong tôi tự nhiên sinh khởi cảm giác khó chịu và không còn có cảm giác thích thú cúng dường nữa. Nên, đáng lẽ cúng dường một trăm, thì mình chỉ cúng dường mười đồng thôi. Nhưng, giả như ông giáo sĩ Ấn giáo ấy không có động tác gợi ý, thì không những tôi cúng dường mười đồng mà tôi cúng dường một trăm đồng và tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Nếu ông quản lý Thánh tích của Phật, thấy Phật hơn thấy tiền, thì ông sẽ truyền bá được văn hóa của Thánh tích do ông đang giữ cho mọi người và mọi người sẽ biết ơn ông, biết ơn quốc gia của ông. Nhưng, nếu ông thấy tiền hơn thấy Phật, thì việc ông càng giữ gìn Thánh tích của Phật, ông lại càng làm cho Thánh tích bị ô nhiễm và làm cho nét nhân tính, nhân văn nơi ông bị xói mòn và khuất lấp. Cho nên, biết đối xử tốt và biết tôn trọng khách hàng là mình không bao giờ bị thiệt hại, công ty bị thiệt hại vì nhân viên của công ty không biết đối xử tốt và tôn trọng khách hàng. Mình cứ sống hết lòng và chân tình với khách hàng, khách hàng sẽ không giúp mình cách này, lúc này thì họ cũng sẽ tìm cách giúp mình lúc khác và cách khác. Khi sống với nhau, mình đem tấm lòng chân thật để sống và hành xử với nhau, chứ đừng quá sòng phẳng và thực dụng mà nhất là đừng quá sòng phẳng và thực dụng với khách hàng. Xã hội con người càng ngày càng trở nên khô cứng, vì con người đã sử dụng máy móc để đối tác với nhau, nên đối tác với nhau quá sòng phẳng và thực dụng, khiến đưa đến lạnh lùng và vô cảm.

Nên, khi đối tác, ta hãy tôn trọng nhân cách đối tác của nhau. Nhân cách đối tác với nhau càng tuyệt vời, thì lợi nhuận đưa tới cho nhau lại càng tuyệt vời hơn. Nhưng, khi đối tác khách hàng của công ty không dễ thương, mà công ty vẫn đối xử dễ thương với họ, đây là điều mà mọi nhân viên của công ty cần phải thực kiên trì thực tập. Kiên trì thực tập là vì chiến lược lâu dài của công ty mà không phải là chiến thuật trước mắt. Một công ty kinh doanh có chiến lược lâu dài, có chiến thuật tạm thời rất dễ đưa tới thành công. Xác suất thành công trong sự nghiệp kinh doanh đối với họ là rất cao. Khách hàng không dễ thương mà mình vẫn tôn trọng và đối xử dễ thương với họ, đó là chiến lược kinh doanh của những nhà kinh doanh đầy trải nghiệm và tài hoa, chính chiến lược này dẫn họ đến thành công trong sự nghiệp kinh doanh.
Với chiến lược này, chỉ có những nhà trải nghiệm kinh doanh mới khám phá ra và mới có phương pháp ứng xử khiến nó trở thành một lời tuyên thệ. Còn đối với chiến thuật kinh doanh, khách hàng đối xử dễ thương với mình, thì mình đối xử dễ thương lại với họ, họ đối xử không dễ thương với mình, thì mình đối xử không dễ thương lại với họ. Nhưng, đối với chiến lược kinh doanh của người trải nghiệm và tài hoa, khi thấy người đối xử dễ thương với mình, thì mình lại càng đối xử dễ thương và chân thành với họ; và khi thấy người đối xử với mình không dễ thương và không chân thành, thì mình vẫn đem cái dễ thương và chân thành mà đối xử với họ. Người đối xử với mình dễ thương và mình đối xử dễ thương lại, điều này không cần học, không cần phải đỗ tiến sĩ, thạc sĩ mới biết mà trẻ thơ cũng biết cách đối xử này. Nhưng, những người đối xử với mình không dễ thương mà mình vẫn đem cái dễ thương để đối xử lại với họ, điều này không phải ai cũng làm được mà chỉ có những người sống có bản lãnh, sống có trí tuệ và tình thương lớn mới thể hiện được.
Thực hiện được điều này là cả một công trình tôi luyện hay cả một chiến lược kinh doanh lâu dài. Thực hiện được chiến lược này phải là người có khả năng, chứ không phải chỉ có tài năng. Có tài năng mà thiếu khả năng, thì sự thành công chỉ tạm thời, nhưng khi tài năng đã trở thành khả năng thường trực, thì sự thành công không phải là ước mơ mà là hiện thực, không phải ngắn hạn mà trường kỳ. Cho nên, người có khả năng họ không ngại gì khi đối diện với khó khăn và nhất là đối với những người khó tính. Người khó tính tự nó đã bị thiệt hại, không cần ai gây hại cho họ nữa. Đối xử dễ thương với người khó tính phải là người có khả năng, nếu không có khả năng không dễ gì đối xử dễ thương với người khó tính. Điều mà chúng ta cần lưu ý và thực tập: “Thương ai là mình hạnh phúc trước, ghét ai là mình đau khổ trước; thương ai thì mình có lợi trước, ghét ai thì mình bị thiệt hại trước”. Đó là điều mà tất cả chúng ta cần lưu ý và cần phải thực tập.
Cho nên, đối với một công ty FDI đối tác không phải chỉ là khách hàng quốc nội mà cả khách hàng quốc tế như thế này, mà mình biết tôn trọng và lễ phép với khách hàng, thì trong trái tim của mọi khách hàng đều có không gian của công ty FDI. Mở rộng không gian kinh doanh, trước hết phải biết mở rộng không gian tâm hồn. Mở rộng không gian tâm hồn, trước hết là mình phải biết ôm ấp cái hay của người để học hỏi và phát triển; và phải biết ôm ấp cái khiếm khu-yết của người để giúp họ tự hoàn chỉnh và sánh vai cùng với mình đi lên. Cho nên, đức Phật có dạy mình cần nhìn vào cái mặt tích cực của mỗi người để thương thì mình sẽ có cái hạnh phúc rất lớn. Nhưng, nếu mình nhìn vào cái tiêu cực của mỗi người để ghét, thì cái ghét đó nó thành một khối lớn mà cái khối lớn đó, nó làm khổ mình, nó đốt cháy cái hạnh phúc của mình. Trên đời này đau khổ là chuyện có thật, thì tại sao hạnh phúc là chuyện không có thật được. Đau khổ ở trên đời này của con người là chuyện có thật là vì tâm kiêu mạn và khinh người của con người tạo ra.

Tâm khinh người thường tạo nên sự oán thù và đối kháng. Hạnh phúc ở trên đời này cũng có thật là do con người biết thương người và biết tôn trọng lẫn nhau. Nên công ty FDI muốn khách hàng tôn trọng, thì trước hết công ty phải biết tôn trọng khách hàng. Và mình biết tôn trọng khách hàng cũng chính là mình đang biết tôn trọng công ty của chính mình. Đây là điều mà mọi thành viên của công ty cần phải thực tập.
Điều ba: Đối với công việc tận tụy, sáng tạo
Tôi nhớ có một vị minh triết nói rằng: “Tận tụy cộng với sự ngu dốt là phá hoại”.
Nhiệt tình cộng với ngu dốt là phá hoại, thì nhiệt tình cộng với thông minh là xây dựng, cho nên đây là tận tụy sáng tạo, tức là mình phải tận tụy với công việc, nhưng mà phải sáng tạo trong cái tận tụy đó, thì công việc mình mới thành. Tận tụy mà cứ làm theo khuôn mẫu, cứ chăm chỉ để làm mà không đối cơ được, không đối thời được thì không thành công, cho nên tận tụy mà sáng tạo. Có những điều mình làm, có thể ban Giám đốc chưa biết, nhưng nhân viên thấy hết. Cái máy chạm điện sắp cháy, mình giựt cái ổ cắm ra không sử dụng, chứ không dám giựt cái ổ cắm ra mà phải đi trình ban Giám đốc đợi phê duyệt, cho phép thì cái máy đó cháy mất. Đáng lý ra chỉ tốn mười ngàn, giờ tốn cả trăm ngàn. Cho nên tận tụy cộng với ngu dốt là phá hoại, phá sản. Tận tụy mà sáng tạo là làm việc hết lòng và thông minh. Sáng tạo trên tiêu chuẩn nào? Tôi làm bất cứ cái gì có lợi cho công ty, có lợi cho anh em chúng tôi là tôi làm. Dù giám đốc chưa phê duyệt, nhưng tôi sẵn sàng chịu phê bình trước giám đốc, vì lợi ích của công ty, vì sự tồn tại của công ty, tôi sẵn sàng hy sinh. Bởi vì mỗi người đều có trí tuệ và thông minh tự thân, nên cần phải nắm lấy cơ hội cho công ty qua điều kiện thông minh và sáng tạo linh hoạt của mình. Điều ứng xử linh hoạt và thông minh này của nhân viên, thì ban giám đốc, ban điều hành phải biết để khen thưởng đúng lúc, đúng việc. Tuy có những trường hợp nhân viên tự động giải quyết công việc, chưa qua ý kiến của ban giám đốc hay ban điều hành, nhưng ban giám đốc, ban điều hành vẫn tán dương khả năng sáng tạo của họ, trong khi họ hành xử vì lợi ích và danh dự của công ty.
Nên có những tự động của nhân viên mà mang lại lợi ích cho công ty rất lớn, thì mình cho phép họ tự động, còn có những cái tự động mà gây thiệt hại cho công ty, mất danh dự, mất quyền lợi của công ty thì cái tự động đó không nên. Cho nên, sự tận tụy và sáng tạo rất cần thiết trong doanh nghiệp. Nguyên tắc là để bảo đảm tính tổ chức của doanh nghiệp. Tận tụy và sáng tạo là để đối ứng và phát triển doanh nghiệp một cách linh hoạt. Có một ông chủ có được ba người trợ lý với ba khả năng. Người thứ nhất quá cẩn thận, người thứ hai quá lo xa, người thứ ba quá lễ phép.

Một hôm người trợ lý lễ phép đưa một đứa con ông chủ đi tắm sông, con ông chủ bơi ra giữa sông sắp sửa uống nước, người đó thấy con ông chủ sắp sửa uống nước như vậy, thì liền chạy về xin phép ông chủ cho ông ta được vớt đứa bé lên, nếu không nó uống nước nhiều quá và sẽ chết. Người chủ nói: “Thế thì tại sao mày không vớt nó liền đi mà chạy về xin phép, xin phép xong chắc nó uống nước chết quá!”.
Đúng là sau khi xin phép xong, ông ta chạy ra sông thì thằng bé đó đã chết rồi. Cho nên, đôi khi có những lễ phép không cần thiết, có những cái thưa trình không cần thiết, vì sao? Vì cái gì cũng thưa trình, cũng giữ lễ, có những khi giữ lễ là tốt, nhưng có khi giữ lễ lại bị mất cơ hội thực hiện tài năng.
Một hôm bà chị của ông chủ chết, ông chủ kêu cậu trợ lý lo xa đi mua quan tài. Cậu ấy đi đến nơi bán quan tài, thấy chỉ có hai cái quan tài, cậu mua hết cả hai cái chở về. Khi chở về, ông chủ hỏi: “Ta bảo mua một cái, tại sao mua hai cái”. Cậu lo xa trả lời: “Dạ thưa ông chủ, tôi thấy chỉ còn có hai cái nên tôi mua luôn, một cái cho chị ông, và một cái cho ông, lỡ sau này ông chết thì không có quan tài để mua”. Như vậy, có những cái lo xa là tốt, nhưng có những cái lo xa là không cần thiết.
Một hôm, người cẩn thận đưa ông chủ đi nắm tình hình, khi ông chủ đi qua một đoạn đường bị sình lầy, xe không qua được, Cậu cẩn thận cúi lưng xuống và thưa ông chủ ngồi lên lưng của cậu ấy để cậu cõng qua cho khỏi sình lầy. Rồi cậu ấy gỡ đôi giầy ông chủ ra, cất trong túi của anh ta. Ông chủ ngồi trên lưng đi được một đoạn, thấy xúc động, vì người phụ tá quá nhiệt tình và quá cẩn thận. Ông liền nói: “Tao có đứa con gái út học ở trên Sài Gòn, bữa nào học ra trường, tao gã cho mày”.

Khi nghe nói như vậy, người trợ lý cẩn thận thả ông chủ xuống một cái bịch giữa bùn để chắp tay cung kính cảm ơn. Anh chàng này quá cẩn thận và nhiệt tình, nhưng ứng xử không đúng lúc, khiến sự cẩn thận và nhiệt tình bị phản tác dụng.
Cho nên, cẩn thận cũng phải đúng lúc, cũng cần phải có trí tuệ, mà lo xa cũng phải có trí tuệ, nhiệt tình và lễ phép cũng phải có trí tuệ. Nên, nhiệt tình mà thiếu sáng tạo cũng chết, sáng tạo mà tùy tiện không có nguyên tắc nào cả, thì lại càng chết sớm.
Nói một cách khác, làm cái gì cũng phải có trí tuệ. Vì vậy, trong kinh Bát đại nhân giác, đức Phật dạy: “Duy tuệ thị nghiệp”. Nghĩa là đệ tử Phật, thì phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Lấy trí tuệ làm sự ng- hiệp, cho nên trí tuệ phải luôn có mặt ở trong nhiệt tình, khiến cho sự nhiệt tình dẫn đến hiệu quả tốt. Trí tuệ có mặt ở trong lễ phép, khiến cho lễ phép dẫn đến thành công. Trí tuệ có mặt trong sự cẩn thận thì sự cẩn thận sẽ dẫn đến thành công.
Cho nên, chữ sáng tạo được sử dụng trong điều tuyên thệ thứ ba này của công ty FDI, có nghĩa người hành sự phải luôn luôn biết đối diện với công việc bằng trực giác của mình mà không phải bằng thói quen.
Như vậy, quý vị sẽ hỏi tôi làm sao có khả năng sáng tạo, làm sao để có khả năng trí tuệ. Đức Phật dạy, “muốn có trí tuệ trước hết là mình phải biết lắng nghe và học hỏi với tâm định tĩnh”. Bất cứ cái gì mà mình thấy hay là phải để ý ngay, học hỏi ngay. Không phải công việc của mình, nhưng thấy nó hay là phải để ý, nghiên cứu và khi cần thiết là làm.