Pháp Thoại : 5 Điều Tuyên Thệ của Công Ty FDI Qua Cách Nhìn Quán Chiếu – P1

(Thầy Thích Thái Hòa giảng tại văn phòng công ty FDI ở Tp Hồ Chí Minh, ngày 4/4/2013)

Nam  Mô  Bổn  Sư  Thích  Ca Mâu Ni Phật!

Cùng  tất  cả  anh  chị  em trong  ban  Giám  đốc  của  công  ty FDI,  ban  Điều  hành  và  toàn  thể anh  chị  em  nhân  viên  hiện  diện quý mến.

Hôm  nay  là  ngày  24  tháng  2 năm Quý Tỵ (tức ngày 4/4/2013) tại văn phòng công ty FDI ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi là thầy Thái Hòa  với  sư  cô  Diệu  Đáo  có  nhân duyên  đến  công  ty  do  anh  Nghĩa và  chị  Phượng  Liên  mời,  chia  sẻ với  quý  vị  một  vài  điểm  cần  thiết trong  khi  mình  đang  cộng  tác  với nhau và đang làm việc với nhau để hiểu những việc làm của mình qua cách nhìn của Phật Pháp.

Sư phụ Thích Thái Hòa pháp thoại tại FDI 2016

Ngày  nay  khoa  học  đã  tiến bộ  rất  nhiều  và  khoa  học  đã  nhìn nhận  ra  rằng,  trái  đất  là  ngôi  nhà chung  của  toàn  thể  con  người, không  những  toàn  bộ  con  người mà còn là của mọi sinh vật trên trái đất này nữa. Tầm nhìn của những nhà  khoa  học  như  vậy  là  rất  trân quý. Với cách nhìn ấy, giúp chúng ta  xóa  dần  những  cách  nhìn  cục bộ,  phiến  diện  trong  cuộc  sống con người.

Trong  cuộc  sống  con  người, nếu  chúng  ta  sống  và  hành  xử theo cách nhìn cục bộ, phiến diện bao nhiêu, thì chúng ta làm cho đời sống con người của chúng ta ngày càng  nghèo  đi  và  khổ  đau  bấy nhiêu.  Nếu  cách  nhìn  phiến  diện, cục bộ được xóa đi bởi tuệ giác lớn bao nhiêu, bởi sự hiểu biết lớn bao nhiêu, thì đời sống của con người càng xích lại gần nhau  bấy  nhiêu. Con  người  bấy giờ có khả năng bắt  tay  hợp  tác với  nhau  trong mọi  công  việc một  cách  chân thành  để  xây dựng  một  nếp sống  lành  mạnh và  văn  minh. Không  những con  người  bắt tay với nhau mà con  người  còn có  khả  năng bắt  tay  với  môi trường, với thiên nhiên để kiến tạo ngôi nhà bình an cho toàn thể nhân loại.

Tôi nghĩ rằng, đó là cách nhìn phải mất mấy ngàn năm, con người mới phát hiện ra được, nhưng mà trước đây 2600 năm, đức Phật đã thấy  những  điều  đó  và  Ngài  đã dạy: “Ngoài thế giới này còn có rất nhiều thế giới khác và mình muốn yêu thương cái của mình, thì mình phải  biết  yêu  thương  cái  không phải của mình. Người nào biết yêu thương  cái  không  phải  của  mình, người  ấy  mới  có  khả  năng  yêu thương cái của mình”.

Sư phụ Thích Thái Hòa pháp thoại 2017

Thật vậy,  chúng  ta  muốn  bảo vệ chúng ta, thì chúng ta phải biết bảo  vệ  những  cái  không  phải  của chúng ta. Bảo vệ những cái không phải của chúng ta, thì chúng ta mới bảo  vệ  được  chúng  ta  một  cách chính  xác.  Với  cách  nhìn  mọi  sự hiện  hữu  bằng  tuệ  giác  này,  đức Phật đã hiến tặng cho thế giới loài người  chúng  ta  trải  qua  hai  mươi sáu thế kỷ, nhưng với tri thức khoa học,  thế  giới  con  người  ngày  nay mới phát hiện ra và nhận ra được lời dạy quý báu đó của đức Phật.

Ví dụ: anh Nghĩa muốn bảo vệ anh Nghĩa thì anh Nghĩa phải biết bảo vệ chị Phượng Liên. Nếu trong hạnh phúc gia đình, anh Nghĩa chỉ biết  bảo  vệ  anh  Nghĩa  mà  không biết  bảo  vệ  chị  Phượng  Liên,  thì hạnh phúc gia đình của anh Nghĩa sẽ không bao giờ xảy ra.

Và chị  Phượng Liên cũng  vậy. Chị Phượng Liên muốn  bảo vệ hạnh phúc gia đình của chị, thì chị phải  biết  bảo  vệ  anh  Nghĩa. Hai người phải biết bảo vệ hạnh phúc cho nhau, bảo vệ sự an lạc cho nhau, ấy là những người biết bảo vệ mình một cách thông minh.

Nếu hai  người  chỉ  biết  đơn  thuần  bảo vệ  cái  riêng  mình,  thì  cả  hai  đều không bảo vệ  được chính mình. Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, muốn  bảo  vệ  chúng  ta,  chúng  ta phải biết bảo vệ người khác, phải biết bảo vệ  môi trường  sinh hoạt của  chúng  ta. Trong  môi  trường sinh hoạt của chúng ta nếu có một người  bệnh  hoạn,  khổ  đau,  thì hạnh phúc của chúng ta sẽ bị giảm thiểu, đây là một sự thật mà chúng ta  cần  phải  thấy  biết. 

Người  Sài Gòn muốn khỏi bệnh hoạn, chúng ta không phải chỉ biết bảo vệ công ty, bảo vệ  ngôi nhà mình  mà  còn phải bảo  vệ  dòng  sông  Sài  Gòn nữa chứ, nếu dòng sông Sài Gòn bị ô nhiễm, thì cho dù chúng ta có ở trong nhà cũng bị ô nhiễm và đau ốm thôi. Nói như vậy để chúng ta thấy  rằng, chúng ta muốn bảo vệ gia đình của chúng ta, bảo vệ đời sống của chúng  ta, thì chúng ta phải biết bảo vệ công ty của chúng ta,  vì  sao? 

Vì  công  ty  là  ngôi  nhà của  chúng  ta.  Nếu  ngôi  nhà  này mệnh  hệ  như  thế  nào,  thì  nó  ảnh hưởng đến đời sống của các thành viên  trong  ngôi  nhà  ấy,  cũng  như ảnh hưởng đến đời sống gia đình huyết thống của họ. Công ty không phải chỉ là ngôi nhà của ban Giám đốc, ban Điều hành mà còn là ngôi nhà  của  mọi  thành  viên  của  công ty. Cho nên, tôi đọc năm điều tuyên thệ của công ty FDI, tôi rất thích và nhận thấy có nhiều ý nghĩa rất hay và rất thiết thực trong năm điều ấy, vì  vậy  hôm  nay  tôi  muốn  chia  sẻ đến  toàn  thể  quý  vị  ý  nghĩa  của năm  điều  tuyên  thệ  này  qua  cách thấy và cảm nhận của tôi.

Điều 1 : Với công ty tuyệt đối trung thành.

Điều  này  các  anh  chị  em  có cảm thấy quá đáng không? Bởi vì trên thế gian này có cái gì tuyệt đối đâu  mà  đòi  hỏi  người  khác  tuyệt đối  trung  thành,  thế  gian  này  là tương đối, phải không? Mọi cái là tương  đối,  nhưng  nếu  muốn  bảo vệ  sinh  mệnh  thì  phải  là  bảo  vệ tuyệt  đối,  không  thể  là  tương  đối được. Bởi vì nếu bảo vệ sinh mệnh mình mà bảo vệ tương đối thì tuyệt đối  sinh  mệnh  đó  sẽ  bệnh  hoạn và  tuổi  thọ  đó  sẽ  giảm  ngay.  Mọi chuyện là tương đối, nhưng bảo vệ sinh mệnh là phải tuyệt đối, an toàn tuyệt đối, cũng như đi lên máy bay thì phải bảo vệ an toàn tuyệt đối, từ Đà Nẵng đến Sài Gòn, còn nếu mà bảo vệ tương đối, thì không ai dám đi trên chiếc máy bay được bảo vệ tương đối ấy hết.

Cho  nên,  công  ty  muốn  tồn  tại thì  mọi  thành  viên  trong  công  ty phải tuyệt đối trung thành với công ty của mình, đó là sự tồn tại đúng ý nghĩa và từ sự tồn tại đúng ý nghĩa ấy, nó đáp ứng cho ta những khát vọng, những nhu cầu của chúng ta đúng ý nghĩa của một công ty, còn nếu chúng ta trung thành tương đối với công ty, và mọi người thể hiện cái trung thành tương đối của mình đối  với  công  ty,  thì  công  ty  trước sau  gì  nó  cũng  rã.  Hơn  hai  trăm nhân  viên  mà  chỉ  cần  mỗi  người lơ đễnh một chút xíu thôi là thành hơn  hai  trăm  vấn  đề  lơ  đễnh  xảy ra, công ty không thể tồn tại lâu dài được. Vì vậy, điều thứ nhất là tuyệt đối trung thành với công ty, cái đó không có gì là quá đáng.

Bởi  vì  sinh  mệnh  của  công  ty gắn  bó  với  sinh  mệnh  của  chính mình,  khi  mà  công  ty  gắn  bó  với sinh  mệnh  của  chính  mình  và  gia đình  mình  như  vậy,  thì  nó  tồn  tại một cách có ý nghĩa. Công ty hiện hữu  có  ý  nghĩa  và  những  thành viên của công ty hiện hữu cũng có ý  nghĩa,  và  ý  nghĩa  sâu  sắc  hơn nữa  là  chúng  ta  đóng  góp  sự  có mặt  của  công  ty  cho  xã  hội,  cho cuộc  đời,  mà  nhất  là  công  ty  FDI này,  nó  không  những  vận  chuyển hàng  hóa  ở  quốc  nội  mà  cả  quốc tế,  không  phải  chỉ  chuyển  vận hàng hóa bằng đường thủy, đường bộ mà cả đường hàng không.

Sư phụ Thích Thái Hòa pháp thoại 2017

Nên, nếu chúng ta không trung thành tuyệt đối, chúng ta sẽ không có trái tim tuyệt đối để trung thành; chúng ta sẽ không có sự suy nghĩ tuyệt đối để bảo vệ cho sự tồn tại này, thì tai nạn sẽ xảy ra và nó gây thiệt  hại  cho  rất  nhiều  người  và thiệt  hại  tài  sản  cho  xã  hội.  Cho nên,  đây  là  lời  tuyên  thệ  rất  cần thiết và các thành viên của công ty cần  phải  thực  tập,  thà  mình  sống và làm việc hết lòng với công ty rồi, mà những sơ suất vẫn xảy ra, thì đó không còn là chuyện của mình, không  còn  là  chuyện  của  nội  lực mà  là  chuyện  chướng  ngại  của ngoại duyên.

Nên, người xưa có nói “lực bất tòng tâm” là vậy. Lực nó tách khỏi trọng tâm rồi, thì mình chịu, vì mình không  còn  điều  khiển  được  nó nữa.  Nhưng  mà  lực  đang  ở  trong trọng tâm, đang chịu dưới sự điều khiển của mình, đang trung thành với mình mà mình lơ đễnh, để sơ suất khiến điều không may xảy ra, thì đó là điều hết sức đáng tiếc, hết sức  ân  hận.  Cho  nên,  tôi  thấy  tôi ngủ  rất  khỏe,  bởi  vì  mỗi  ngày  tôi làm  việc  với  cái  gì,  thì  tôi  làm  hết lòng  với  cái  đó,  tôi  làm  từ  trái  tim của tôi, dù cho có ai biết hay không có  ai  biết,  tôi  không  cần  biết,  bởi vì  trái  tim  tôi  biết  cho  tôi.  Tôi  làm cái  gì  cũng  làm  hết  lòng,  cho  nên có  ai  biết  hay  không  ai  biết,  điều ấy  với  tôi  không  còn  quan  trọng. Quan  trọng  là  đạo  lý  nhân  quả  ở nơi  tâm  tôi,  tự  nó  đã  hình  thành cho tôi. Đạo lý nhân quả nơi tâm tôi hình thành đời sống cho tôi, nhận ra được đạo lý ấy để sống và hành xử mới quan trọng. Cái thấy được nhân  quả  hình  thành  ngay  nơi  tự tâm là cái thấy vô cùng quan trọng, vì  cái  thấy  ấy  giúp  ta  có  một  đời sống chân thật và trung thành. Với cái thấy ấy đạo Phật đã hiến tặng cho  thế  giới  con  người.  Mình  có thể  dối  gạt  được  thiên  hạ,  nhưng mình  không  thể  dối  gạt  được  trái tim của mình, mà mình có thể dối gạt được trái tim của mình, nhưng mình không thể dối gạt được nhân quả  hình  thành  trong  lòng  mình.

Đó là điều mà tại  sao mình  phải tuyệt đối trung thành.

Nên,  đọc  điều  thứ  nhất  trong năm  điều  tuyên  thệ  của  công  ty FDI tôi rất thích. Trung thành là lý đương nhiên để sinh ra thành công và  hạnh  phúc.  Nếu  thiếu  trung thành  thì  sẽ  không  có  hạnh  phúc. Vợ  không  trung  thành  với  chồng thì làm sao đời sống gia đình hạnh phúc  được.  Rõ  ràng  yếu  tố  trung thành  là  điều  không  thể  thiếu  để xây dựng sự bền vững hạnh phúc và phát triển hạnh phúc, ở trong đó có  cả  sự  phát  triển  kinh  tế. Trung thành  đi  đôi  với  tín  thành,  với thành tín.

Cho  nên,  sống  trên  đời,  nếu thiếu  sự  trung  thành  thì  nó  trở thành sự phản bội. Phản bội thì chỉ có thể thành công nhất thời, nhưng lại là sự thất bại vĩnh viễn. Cho nên, trung thành hay tín thành là điều để chúng ta thực tập, để cho chúng ta ứng dụng vào đời sống, chứ không phải lý thuyết và càng không phải là lý luận mà chính nó là cuộc sống của thành công và hạnh phúc.

Ở  trong  đời  có  ai  là  người không  thích  kẻ  khác  trung  thành với mình? Rõ ràng, ai cũng muốn người  khác  trung  thành  với  mình hết phải không? Muốn người khác trung thành với mình thì mình phải trung  thành  với  người  khác.  Ai cũng  muốn  người  khác  thương mình,  thì  trước  hết  mình  phải  mở trái  tim  ra  để  thương  người  khác, mình  thương  người  khác  thì  nhất định  người  khác  sẽ  thương  mình. Mình  trung  thành  với  người  khác thì  nhất  định  người  khác  sẽ  trung thành  với  mình.  Họ  không  trung thành  với  mình  kiểu  này  thì  họ cũng  trung  thành  với  mình  kiểu khác, chắc chắn là như thế.

Nhưng, nếu như họ đã lỡ phản bội rồi thì trước sau gì họ cũng sẽ trở về. Điều này, tôi kể cho quý vị nghe,  chiều  hôm  qua  tôi  vui  lắm. Chiều qua tôi đang nằm trên chiếc võng,  thì  có  một  anh  đã  phản  bội tôi  và  bỏ  tôi  ra  đi  bảy  năm.  Suốt cả bảy năm tôi không hề giận hờn hay  lên  án  gì  anh  ta  cả,  thì  chiều hôm qua anh ấy tự trở lại, quỳ xụp xuống và nói :

“Thầy  ơi,  bảy  năm  con  đã  bỏ thầy  để  ra  đi  lang  thang,  khô  kiệt cả hiểu biết, khô kiệt cả trí tuệ, xin thầy tha thứ cho con, xin thầy hãy cầm tay con một cái, để thầy truyền năng lượng cho con”.

Tôi  vẫn  vui  cười  với  anh  ta, với  cái  tâm  bình  thản  tự  nhiên. Tôi  cầm  tay  anh  ấy  và  anh  ấy  kể cho  tôi  nghe  bảy  năm  trời  anh  ấy bỏ  tôi  ra  đi,  nhưng  trong  lòng  lúc nào  cũng  cảm  thấy  nôn  nao  khó chịu và chiều hôm qua là chiều anh ấy  quyết  định  trở  lại  thăm  tôi  và nói  những  lời  sám  hối  với  tôi. Tôi thương anh ta lắm và đã tặng cho anh ta hai tập sách: Thảnh thơi mọi nẻo  đường  về  và  Miến  điện  mặt trời  lên.  Cho  nên,  nếu  họ  không hiểu  hết  về  mình,  họ  bỏ  mình  ra đi  là  chuyện  đương  nhiên,  nhưng mà đi đâu rồi họ cũng thấy rằng, họ vẫn cảm thấy không thỏa mãn, vẫn không ai hiểu họ, thì có một ngày tự họ sẽ quay về.

Như  vậy,  ai  phản  bội  mình  là quyền  của  người  ta,  chứ  mình  có quyền  gì  mà  cấm  người  ta  phản bội.  Phản  bội  là  quyền  của  người ta, nhưng trung thành là quyền của mình.  Điều  này  không  phải  chỉ  ở trong  công  ty  FDI,  mà  ngay  trong cuộc  sống  cũng  vậy.  Nếu  có  ai phản bội mình là quyền của người ta,  nhưng  mình  chỉ  có  một  cái quyền  duy  nhất  là  luôn  luôn  trung thành  và  thương  họ.  Nếu  mình trung thành với công việc của mình và thương họ, thì trước sau gì họ cũng  trở  về  với  mình.  Vì  vậy  mà trong bài thơ Tình đạo sĩ tôi có nói rằng:  “Đưa  ai  đi  giữa  tháng  ngày dông bão Dìu ai về giữa trăm thắng ngàn thua”. Cuộc đời này mình mà bỏ  cha  mẹ  mình  ra  đi,  bỏ  chồng mà  ra  đi,  bỏ  vợ  mà  ra  đi,  bỏ  thầy mà ra đi là cái thành công chỉ là rất ít, mà cái thất bại là rất nhiều. Cho nên, những bậc có chí lớn, có tâm nguyện  lớn,  thì  vẫn  đứng  đó  đợi chờ  những  người  phản  bội  mình có cơ hội trở về và mình sẽ dan đôi cánh tay ra, mở rộng trái tim mình ra mà đón họ, vì sao? Vì mình biết rất rõ, nếu người ta phản bội mình thì  người  khác  sẽ  phản  bội  họ  và khi  họ  bị  phản  bội,  họ  mới  thấm thía  thế  nào  là  trung  thành  và  tự họ quay trở lại. Cho nên, điều thứ nhất rất là quan trọng, chúng ta cố gắng thực tập.

Điều thứ 2: Đối với khách hàng phải tôn trọng và lễ phép.

Hôm kia tôi có nói chuyện với nhân viên FDI Hà Nội, tôi nói: “mình đi  tới  nhà  người  nào  mà  họ  tiếp mình  có  vẻ  sơ  sài  và  coi  thường, thì mình lỡ tới một lần thôi, còn lần sau  tự  dặn  lòng  là  không  bao  giờ tới nữa, nếu có đi ngang qua cổng nhà họ thì cũng không để ý luôn”.

 Rõ  ràng,  khách  hàng  cũng vậy, mình đối xử vui vẻ, tôn trọng họ,  thì  họ  lui  tới  đối  tác  với  công ty,  mình  đối  xử  không  dễ  thương với họ, không tôn trọng họ, thì họ đi  tìm  đối  tác  khác.  Mình  là  công ty, mình là chủ, nhưng mình cũng là  khách  làm  thuê  cho  họ,  khách hàng  là  khách,  nhưng  họ  cũng  là chủ, họ cũng làm thuê cho mình và mình cũng làm thuê cho họ. Trong cuộc  sống  đối  tác,  họ  cũng  nhờ mình,  mà  mình  cũng  nhờ  họ.  Họ là  chủ  mà  cũng  là  khách,  mình  là khách  mà  cũng  là  chủ.  Trong  đối tác, khách với chủ, chủ với khách, chỉ cần hoán vị một cái là chủ hóa thành  khách  và  khách  hóa  thành chủ.  Cho  nên,  mình  tồn  tại  cũng nhờ khách hàng, khách hàng được việc cũng nhờ mình.

Trong mối quan hệ hỗ tương đó mà  mình  biết  tôn  trọng  lẫn  nhau, kính quý lẫn nhau thì thật tuyệt vời, không có cái tuyệt vời nào hơn cái tuyệt  vời  sống  biết  kính  quý  nhau này;  không  có  cái  đẹp  nào  bằng cái  đẹp  sống  biết  tôn  trọng  nhau. Và nếu mình biết tôn trọng và quý mến  khách  hàng  thì  họ  trước  sau gì cũng đến với mình, và cho dù họ có đi đâu, đi đối tác với bất cứ công ty  nào,  mà  các  công  ty  ấy  không tôn  trọng  khách  hàng,  thì  khách hàng  sẽ  quay  lại  đối  tác  với  công ty FDI, vì sao? Vì các công ty khác không  có  điều  tuyên  thệ  thứ  hai này  và  không  áp  dụng  điều  tuyên thệ này vào trong đối tác. Trong lúc đó công ty FDI, từ tổng Giám đốc, đến các Giám đốc Điều hành, các Trưởng  phòng  cho  đến  nhân  viên đều  thực  hiện  đúng  lời  tuyên  thệ thứ  hai  này,  nên  quá  dễ  thương đối  với  khách  hàng.  Ở  trong  đời, ai  cũng  thích  người  dễ  thương hết,  không  ai  muốn  tiếp  xúc  với người  dễ  ghét  cả.  Cho  nên,  đức Phật  nói  rằng:  “Tất  cả  chúng  sinh đều  có  Phật  tính”.  Nghĩa  là  tất  cả chúng sinh đều có tính dễ thương, nhưng  chẳng  qua  không  có  điều kiện biểu hiện thôi.